20/04/2024 | 530 |
0 Đánh giá

TỔNG QUAN CÁC THỦ TỤC HẢI QUAN HÀNG SẢN XUẤT XUẤT KHẨU CẦN LÀM. NHẬP KHẨU MÁY MÓC THIẾT BỊ KHI LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN HÀNG SẢN XUẤT XUẤT KHẨU

 

HƯỚNG DẪN THỦ TỤC HẢI QUAN HÀNG SẢN XUẤT XUẤT KHẨU DOANH NGHIỆP MỚI THÀNH LẬP

 

Hoạt động của loại hình sản xuất xuất khẩu có nhiều điểm giống so với loại hình gia công. Đây là 2 loại hình xuất khẩu rất được nhà nước quan tâm và tạo điều kiện phát triển.

Mỗi loại hình có đặc thù khác nhau về hoạt động kinh doanh. Nhưng mục tiêu cuối vẫn là sản xuất ra sản phẩm và xuất khẩu ra nước ngoài.

Đây là hoạt động chịu sự giám sát quản lý của Hải quan. Đặc biệt với 2 loại hình gia công và sản xuất xuất khẩu được nhà nước cho hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu, và không chịu thuế GTGT đối với vật tư, nguyên liệu nhập khẩu. Tạo lợi thế rất lớn để các doanh nghiệp có nguồn vốn mở rộng sản xuất sản phẩm

Dưới đây chung tôi xin chia sẻ Quy trình tổng quan về thủ tục hải quan hàng sản xuất xuất khẩu từ khi công ty mới thành lập đến khi kết thúc một chu kỳ sản xuất và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

 

I/ BẠN CẦN HIỂU LOẠI HÌNH SẢN XUẤT XUẤT KHẨU LÀ GÌ?

Phải kê khai rõ về sản phẩm xuất khẩu sản xuất từ hàng hóa nhập khẩu - Tạp  chí Tài chính

Hiểu ngắn gọn thì hoạt động sản xuất xuất khẩu là việc doanh nghiệp nhập khẩu, mua nội địa hay dùng nguyên vật liệu tự sản xuất để sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa nhằm mục đích xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

* Đặc điểm của loại hình sản xuất xuất khẩu:

- Thị trường tiêu thụ sản phẩm tại nước ngoài doanh nghiệp tự tìm kiếm và mở rộng

- Hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm của loại hình sản xuất xuất khẩu cao hơn so với gia công xuất khẩu.

- Nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu tự đầu tư và tự chọn nguồn cung cấp theo nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp

- Công nghệ sản xuất, kỹ thuật sản xuất, quy trình sản xuất… doanh nghiệp tự quyết định

 

II/ TỔNG QUAN CÁC THỦ TỤC HẢI QUAN HÀNG SẢN XUẤT XUẤT KHẨU CẦN LÀM

1/ ĐĂNG KÝ THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VỚI CƠ QUAN HẢI QUAN QUẢN LÝ

2/ NHẬP KHẨU MÁY MÓC THIẾT BỊ KHI LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN HÀNG SẢN XUẤT XUẤT KHẨU

3/ ĐĂNG KÝ MỞ HỢP ĐỒNG SẢN XUẤT XUẤT KHẨU

4/ QUI TRÌNH NHẬP KHẨU NGUYÊN PHỤ LIỆU

5/ QUI TRÌNH XUẤT KHẨU HÀNG THÀNH PHẨM

6/ BÁO CÁO QUYẾT TOÁN CUỐI NĂM C(THÔNG TƯ 39)

 

Dưới đây là chi tiết các bước thực hiện. Bạn cùng theo dõi nhé!

 

1/ ĐĂNG KÝ THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VỚI CƠ QUAN HẢI QUAN QUẢN LÝ

Khi bạn thành lập doanh nghiệp xong, có giấy phép kinh doanh – giấy phép đầu tư. Việc tiếp theo bạn cần làm là đăng ký thông tin doanh nghiệp với cơ quan hải quan quản lý.

Đây là việc bắt buộc bạn phải làm thì mới thực hiện mở tờ khai hải quan được. Việc này áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp muốn hoạt động xuất nhập khẩu nói chung. Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu sẽ có quy định riêng cần lưu ý.

 

1.1/ Đăng ký thông tin Doanh nghiệp trên trang web Tổng cục hải quan

- Hồ sơ cần chuẩn bị: Bản scan giấy phép kinh doanh

- Doanh nghiệp mới thành lập, hệ thống hải quan chưa biết sự tồn tại của doanh nghiệp. Vì vậy, bạn cần gửi mail để bộ phận hỗ trợ của Hải quan cập nhật Mã số thuế lên trên hệ thống. Khi cập nhật xong bạn mới tiến hành được các bước tiếp theo.

+ Trang web Tổng cục hải quan: https://www.customs.gov.vn/

+ Thư điện tử hỗ trợ thủ tục Hải quan điện tử & Cổng thông tin một cửa quốc gia: bophanhotrotchq@customs.gov.vn

- Thời gian cập nhật : 2h sau khi cập nhật Mã số thuế của bạn sẽ hoạt động

 

1.2/ Đăng ký mua chữ ký số ( Token )

- Hiện nay, hoạt động khai báo và làm thủ tục hải quan hàng sản xuất xuât khẩu đều thực hiện trên môi trường điện tử. Khai báo qua các phần mềm chuyên dụng. Việc sử dụng chữ ký số như là con dấu online là việc bắt buộc. Bạn không có không thể thực hiện thủ tục hải quan được.

- Chữ ký số dùng để khai báo hải quan bạn có thể sử dụng chữ ký số dùng để khai báo thuế. Nếu công ty bạn có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu nhiều, bạn có thể mua thêm 1 hoặc nhiều chữ ký số để sử dụng tránh trường hợp hàng gấp mà không có chữ ký số để khai báo.

- Việc mua chữ ký số dùng để khai báo hải quan hoàn toàn giống hồ sơ mua chữ ký số để khai báo cơ quan thuế. Bạn hãy liên hệ các đơn vị cung cấp chữ ký số để đăng ký mua nhé.

Một số hồ sơ doanh nghiệp cần cung cấp để mua chữ ký số gồm: ( bản sao chứng thực hoặc sao y) :

• 01 Bản sao giấy đăng ký kinh doanh.

• 01 Bản sao giấy đăng ký mã số thuế.

• 01 Bản sao CMND hoặc hộ chiếu người đại diện pháp luật.

• 04 Bản hợp đồng mua chữ ký số - Đơn vị cung cấp chữ ký số sẽ gửi bạn.

 

1.3/ Đăng ký sử dụng phần mềm khai báo hải quan điện tử

- Hiện nay trên thị trường có nhiều đơn vị cung cấp phần mềm khai báo này. Nhưng phổ biến và được nhiều người sử dụng nhất là phần mềm ECUSS của công ty Thái Sơn. Bạn nên ưu tiên sử dung phần mềm này.

- Tổng cục Hải quan có cung cấp việc khai báo hải quan điện tử miễn phí trên trang web của Hải quan. Chúng tôi chưa sử dụng phần mềm này nên không dám đưa ra ý kiến. Nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích bạn sử dụng phần mềm của các đơn vị tư nhân cung cấp để được hỗ trợ kỹ thuật khi có trục trặc nhanh và tiết kiệm thời gian.

- Thủ tục hải quan hàng sản xuất xuất khẩu là loại hình đặc thù, cần theo dõi sát từng hoạt động kỹ càng khi nhập máy móc, nguyên vật liệu rồi xuất thành phẩm, quyết toán năm… vì vậy, dữ liệu phải thông suốt và đồng nhất lưu giữ trên máy của doanh nghiệp bạn. Bạn hãy sử dụng máy tính dùng riêng cho việc khai báo hải quan này nhé.

- Khi đăng ký mua phần mềm, bạn nói rõ hoạt động chính là sản xuất xuất khẩu để đơn vị cung cấp phần mềm cài đặt và hướng dẫn cơ bản cho bạn về loại hình tờ khai hải quan bạn sẽ xử dụng trên phần mềm.

 

1.4/  Liên hệ cơ quan Hải Quan tại đơn địa phương

Bạn cần biết đơn vị Hải quan nào sẽ là đơn vị quản lý của doanh nghiệp mình. Nếu không rõ, bạn hãy dành thời gian đem hồ sơ để tới trực tiếp cơ quan Hải quan gặp mặt trao đổi thông tin.

Từ đó xác định rõ và đăng ký thông tin, tìm hiểu và nghe hướng dẫn các thủ tục hải quan hàng sản xuất xuất khẩu cần thiết.

Hồ sơ tối thiểu bạn phải có: Giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư, có thông tin về Ngành nghề hoạt động, quy mô sản xuất xuất khẩu dự kiến.

 

2/ NHẬP KHẨU MÁY MÓC THIẾT BỊ KHI LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN HÀNG SẢN XUẤT XUẤT KHẨU

Công ty nào sản xuất kinh doanh cũng cần có nhà xưởng, máy móc thiết bị. Đặc biệt khi doanh nghiệp bạn mới thành lập, việc nhập khẩu máy móc này rất nhiều. Bạn cần tìm hiểu các thủ tục liên quan để hưởng các ưu đãi miễn giảm thuế của nhà nước, cũng như tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan.

Dưới đây chúng tôi xin chia sẻ với bạn một số trường hợp nhập khẩu máy móc thiết bị khi làm thủ tục hải quan hàng sản xuất xuất khẩu:

- Nhập khẩu máy móc miễn thuế - Xin danh mục miễn thuế

- Nhập khẩu máy móc chịu thuế - Nhập về tạo tài sản cố định cho doanh nghiệp

- Nhập khẩu máy móc loại hình khác như tạm nhập – tái xuất, kinh doanh, phi mậu dịch,…

Bạn chú ý: Máy mới sẽ có quy định nhập khẩu riêng, Máy cũ sẽ có quy định nhập khẩu riêng, máy cũ này chịu quản lý chặt chẽ hơn. Bạn phải chú ý đặc điểm này để chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đúng theo loại máy cũ hay mới nhé.

 

2.1/ Nhập máy móc theo loại hình miễn thuế

Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể xin được miễn thuế khi nhập khẩu máy móc thiết bị. Chỉ những doanh nghiệp được quy định thuộc diện ưu tiên mới được hưởng ưu đãi này.

Dưới đây là quy định pháp luật liên quan đến ưu đãi đầu tư:

Căn cứ quy định tại Điều 19 Nghị định 31/2021/NĐ-CP về đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư như sau:

Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư 2020 bao gồm:

+ Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư hoặc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định tại Phụ lục II Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

+ Dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Phụ lục III Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

+ Dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư 2020.

+ Dự án đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư 2020.

+ Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư 2020 gồm:

+ Trung tâm đổi mới sáng tạo.

+ Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

+ Chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa

+ Cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Như vậy, các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư được quy định cụ thể tại Điều 19 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

- Việc bạn cần làm để được hưởng ưu đãi này là:

+ Đăng ký Danh mục máy móc thiết bị để được hưởng miễn thuế

+ Và làm thủ tục nhập khẩu máy móc thiết bị đúng như danh mục sau khi đăng ký

 

2.2/ Nhập máy móc thiết bị tạo tài sản cố định chịu thuế

Thực hiện nhập khẩu máy móc thiết bị loại hình này khá đơn giản. Thủ tục hải quan máy móc sản xuất xuất khẩu cũng như hàng hóa thông thường khác.

- Hàng hóa nhập khẩu sẽ chịu thuế nhập khẩu

- Chịu thuế VAT

- Nếu máy móc thuộc diện phải kiểm tra chất lượng nhà nước sẽ phải thực hiện đăng ký kiểm tra khi làm thủ tục nhập khẩu.

 

2.3/ Nhập máy móc thiết bị tạo tài sản cố định trường hợp khác

Loại hình phi mậu dịch, tạm nhập tái xuất sẽ chịu sự quản lý riêng theo quy định luật Hải quan.

 

3/ ĐĂNG KÝ MỞ HỢP ĐỒNG SẢN XUẤT XUẤT KHẨU KHI LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN HÀNG SẢN XUẤT XUẤT KHẨU

3.1/ Đăng ký kiểm tra kho xưởng

* Đối tượng sẽ bị kiểm tra kho xưởng :

- Doanh nghiệp lần đầu đăng ký hợp đồng sản xuất xuất khẩu hoặc gia công

- Nhận gia công nhưng thuê công ty khác gia công toàn bộ/một phần

- Quá 3 tháng kể từ hoàn thành thủ tục nhập khẩu lô nguyên liệu đầu tiên nhưng chưa có sản phẩm xuất khẩu

- Ngẫu nhiên trên cơ sở quản lý rủi ro để đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp

Bước 1: Hồ sơ cần chuẩn bị:

  • Giấy phép kinh doanh.
  • Hợp đồng thuê nhà xưởng, thuê đất hoặc giấy chủ quyền sở hữu nhà xưởng
  • Bảng lương công nhân nhà máy.
  • Danh mục máy móc thiết bị và tờ khai hoá đơn mua máy móc.
  • Thông tin tài khoản ngân hàng.
  • Mẫu 04 - Phiếu cung cấp thông tin doanh nghiệp.
  • Mẫu 12 - Thông báo cơ sở sản xuất sản phẩm sxxk.

Bước 2: Nộp hồ sơ xác nhận ngày xuống kiểm xưởng.

- Hồ sơ nộp và đăng ký tại chi cục hải quan quản lý ở khu vực địa phương của doanh nghiệp.

- Sau khi hồ sơ được kiểm tra nếu hợp lệ và đầy đủ sẽ có thông báo thời gian hải quan xuống kiểm xưởng của doanh nghiệp.

 

3.2/ Kiểm tra và lập biên bản kết quả kiểm tra kho xưởng

- Thời điểm kiểm xưởng:

  • Sau khi doanh nghiệp nộp đầy đủ hồ sơ thông báo hợp đồng sản xuất xuất khẩu. Hải quan sẽ thông báo thời gian kiểm xưởng trước 3 ngày khi tới xưởng kiểm tra
  • Cơ quan hải quan sẽ tiến hành kiểm xưởng : Cán bộ hải quan đại diện chi cục Hải quan quản lý hợp đồng sản xuất xuất khẩu

- Nội dung kiểm tra :

  • Quyền sử dụng, sở hữu hợp pháp về nhà xưởng, máy móc, thiết bị của cơ sở sản xuất
  • Tường rào, đảm bảo an ninh…
  • Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất so với khai báo
  • Tờ khai nhập khẩu (nếu nhập khẩu)
  • Hóa đơn, chứng từ mua máy móc, thiết bị (nếu mua trong nước)
  • Hợp đồng thuê tài chính ( nếu thuê máy móc)
  • Tình hình nhân lực thực hiện gia công / sản xuất
  • Doanh nghiệp hoạt đông trên 2 tháng : bảng lương , danh sách nhân viên được đóng bảo hiểm
  • Doanh nghiệp hoạt động dưới 2 tháng : có thể bổ sung sau

- Sau khi hải quan xuống kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất, nếu đạt yêu cầu doanh nghiệp sẽ truyền thông tin mẫu 12 lên hệ thống hải quan.

 

3.3/ Cập nhật kết quả kiểm tra kho xưởng lên hệ thông hải quan

- Cơ quan hải quan sẽ cấp thông báo về kết quả kiểm xưởng đạt yêu cầu.

Như vậy đã hoàn thành quá trình kiểm xưởng và doanh nghiệp có thể thực hiện khai báo và làm thủ tục hải quan hàng sản xuất xuất khẩu nguyên vật liệu, vật tư sản xuất sản phẩm rồi.

 

4/ QUI TRÌNH NHẬP KHẨU NGUYÊN PHỤ LIỆU

Kỳ vọng sự khởi sắc trở lại của một số nhóm ngành xuất khẩu nửa cuối năm.

Khi tiến hành thông báo cơ sở sản xuất với cơ quan hải quan xong. Bây giờ công ty bạn bắt đầu tiến hành các bước khai báo trên phần mềm khai báo hải quan tương tự như các loại hình khác.

Bạn phải tạo mã nguyên phụ liệu và sản phẩm cùng định mức trước khi nhập xuất nguyên phụ liệu, sản phẩm.

- Đăng ký định mức sử dụng Nguyên phụ liệu:

1/ Định mức sử dụng nguyên liệu

2/ Định mức vật tư tiêu hao

3/ Tỷ lệ hao hụt nguyên liệu hoặc vật tư

Doanh nghiệp cung cấp số liệu và chịu trách nhiệm tính hợp lý trong việc xây dựng định mức

- Hồ sơ cơ bản để khai hải quan nhập khẩu nguyên phụ liệu gồm:

+ Hợp đồng thương mại

+ Invoice

+ Packing list

+ Bill of lading

+ C/O nếu có

+ Các chứng từ khác

- Mã loại hình tờ khai hải quan nhập khẩu nguyên phụ liệu: E31

 

5/ QUY TRÌNH XUẤT KHẨU HÀNG THÀNH PHẨM

Thủ tục hải quan hàng sản xuất xuất khẩu khi xuất khẩu thành phẩm sẽ như hàng hóa thông thường khác.

- Hồ sơ cơ bản gồm:

+ Hợp đồng

+ Invoice

+ Packing list

+ Booking

- Mã loại hình tờ khai hải quan xuất khẩu thành phẩm: E62

 

6/ BÁO CÁO QUYẾT TOÁN CUỐI NĂM (THÔNG TƯ 39)

- Thời điểm nộp báo cáo quyết toán năm loại hình sản xuất xuất khẩu chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm tài chính

- Theo nguyên tắc báo cáo tổng trị giá nhập – xuất – tồn kho nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm, sản phẩm hoàn chỉnh.

Trên đây là các bước bạn phải thực hiện khi làm THỦ TỤC HẢI QUAN HÀNG SẢN XUẤT XUẤT KHẨU. Mong rằng với những chia sẻ bên trên, bạn sẽ thuận lợi hơn trong hành trình đầu tiên làm thủ tục hải quan.

Công việc làm thủ tục hải quan hàng sản xuất xuất khẩu đòi hỏi người thực hiện phải hiểu rõ về thao tác trên phần mềm khai báo, thường xuyên cập nhật các quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp mới thành lập hoặc lần đầu thực hiện hoạt động sản xuất xuất khẩu sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ. Cần sự hỗ trợ từ các đơn vị DỊCH VỤ THỦ TỤC HẢI QUAN để việc xuất hoặc nhập hàng hóa được thực hiện nhanh chóng, tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc.

 

* Hãy liên hệ với nhà cung cấp Dịch vụ khai hải quan của chúng tôi: 

 

CÔNG TY TNHH TRĂM ĐỐT TRE -  ĐƠN VỊ UY TÍN THỰC HIỆN THỦ TỤC HẢI QUAN HÀNG SẢN XUẤT XUẤT KHẨU

- Mr Hiệp : 0986.833.155 ( Điện thoại hoặc Zalo )

- Email: Trumxnk@trumxnk.com

 


(*) Xem thêm

Bình luận
0